Những kẻ văn minh đạt giải thưởng Goncourt vào năm 1905, nhưng công chúng cũng như độc giả có học thức không biết gì về tác giả Claude Farrere và cuốn tiểu thuyết. “Những kẻ văn minh”, đó là thực dân, những người phải mang cái gánh nặng của người da trắng mà Kipling ca tụng: Văn minh, ít nhất là của họ. Vì khí hậu của Sài Gòn và Hà Nội, vì thuốc phiện, những nhân vật chính của cuốn sách phải đối mặt với một sự từ bỏ bi quan, thậm chí còn hoài nghi, những giá trị truyền thống: đạo đức, pháp luật. Cuốn tiểu thuyết này khi mới ra đời đã rất gây tranh cãi. Đây cũng là một giải Goncourt kì lạ vì tiểu thuyết này có hình ảnh của loại sách làm người ta hư hỏng, của loại tiểu thuyết hủy hoại sự trong trắng.
Claude Farrère, bút danh của Frédéric – Charles Bargone (1876 – 1957), là một tiểu thuyết gia người Pháp với những tác phẩm có bối cảnh ngoài nước Pháp như Istanbul, Sài Gòn và Nagasaki.
Một trong những tác phẩm của ông là Những kẻ văn minh (Les civilisés) đã đoạt giải Goncourt năm 1905. Ngày 26 tháng 3 năm 1935, ông được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp.
Ban đầu giống như cha mình, một đại tá bộ binh từng hoạt động tại các thuộc địa của Pháp, ông gia nhập học viện hải quân năm 1894, thăng chức trung úy vào năm 1906 và đại úy năm 1918. Vào năm 1919, ông từ chức để tập trung vào nghiệp viết văn.
Các tác phẩm của ông phần lớn không được chú ý, kể cả với độc giả Pháp. Tuy nhiên ông vẫn là một trong những tác giả lớn của nền văn học Đông Dương tại Pháp cùng với các tên tuổi như Malraux, Duras, Dorgelès, Viollis..
Lúc ấy bốn giờ chiều, giờ tỉnh giấc ngủ trưa. Bác sĩ không tiếp khách muộn hơn giờ này – cách thức kín đáo, ở cái xứ mà đường phố vắng vẻ cho đến lúc mặt trời lặn. Hôm ấy Raymond Mévil đi ra sớm, không phải cho cuộc đi dạo thường lệ trước bữa ăn tối, mà cho một vài thăm viếng không hẳn trong nghề nghiệp mà vả chăng anh ta cũng làm khá thưa thớt, vì chiến thuật của anh ta là ít khi xuất hiện.
Một cô “người ở”[1] búi tóc trơn mở cửa, ném vài câu bông đùa với hai anh phu xe, bất thình lình đứng lặng phắc, vẻ gái nhà lành: ông chủ vừa xuất hiện. Anh ta bước xuống bậc thềm, bước chân trẻ nhưng đã chậm, đưa ngón tay vuốt bầu vú cô gái qua lần áo lụa đen, và bước lên xe. Chiếc xe nhỏ bắt đầu lao nhanh, đám phu xe chạy vun vút để gió mạnh thổi mát mặt người phương Tây. Ở các cửa sổ, qua những khe cánh cửa chớp, những ánh mắt phụ nữ ngắm nhìn các bộ chế phục phu xe trắng toát viền vải điều, ngắm nhìn vẻ duyên dáng của vị khách, nom còn quyến rũ hơn cả cái vẻ xa hoa bao bọc anh ta. Bác sĩ Mévil được phụ nữ yêu, trước hết vì anh ta yêu thích phụ nữ, và chỉ yêu thích họ, thứ đến vì anh ta đẹp, một vẻ đẹp khiến tất cả họ đều bối rối, một vẻ đẹp khêu gợi ẻo lả tới mức sỗ sàng. Anh ta trắng trẻo, tóc màu hung, với cặp mắt xanh biếc quá dài, và cái miệng bé đỏ mọng. Mặc dù đã ngoài ba mươi, anh có vẻ thanh niên, và dáng người béo tốt như người ta hình dung anh. Bộ râu mép dài màu sáng, nom anh như một người Gaulois suy tàn, mà các thế kỷ đã làm cho tinh tế và thuần thục.
Cái giống nhau chỉ là tình cờ, Mévil khoe mình là dân khá văn minh mà mọi thứ máu của mọi thứ nguồn gốc đều trộn lẫn vào nhau trong huyết quản.
Chiếc xe tay chạy lon ton giữa các bóng cây ven đường, né tránh mặt trời xiên khoai vẫn hừng hực. Người chủ dùng đầu ba toong chỉ đường cho phu xe. Để dừng lại, anh ta thúc gậy vào vai họ, bảo: “Thôi!”. Xe đi vào một khu vườn có biệt thự. Dọc hàng rào, nhiều chiếc xe đang đợi, với những người phu giữ ngựa An Nam thấp tè nắm chặt hàm thiếc ngựa.
– À, ừ, Mévil nghĩ, hôm nay là ngày con bé tiếp khách, thế mà mình không nhớ ra.
Anh ta ngần ngừ giây lát rồi nhún vai, tìm trong túi chiếc ví đựng danh thiếp soát lại trong ấy – có mấy tờ bạc Đông Dương. Tiếp đó, Raymond Mévil quẳng chiếc ba toong cho một anh bồi vừa chạy ra, và đi vào nhà.
Ngôi nhà cũ kỹ rộng thênh, có dáng trăm phần trăm thuộc địa.
Hai phòng đợi dẫn tới chiếc phòng khách được xếp dồn ở cái chái tốt nhất, kéo dài bằng cả một hàng hiên rủ những bức mành mành tranh tối tranh sáng. Mọi cái đều to lớn thênh thang, cao như nhà thờ; các bức vách ngăn không chạm được tới trần, hơi nóng quẩn dưới rầm. Phía bên dưới không khí mát mẻ, các đồ đạc đều bằng gỗ mun chạm xà cừ, phảng phất tỏa một mùi bản xứ.
Trong tiền sảnh, Raymond Mévil vấp phải một người nào đi ra, một nhân vật trịnh trọng mặt mày nhẵn nhụi, da màu vàng chanh, cử chỉ nặng nề – ông chủ nhà này, Ariette, trạng sư ở Tòa Án. Hai người bắt tay nhau rất thân mật; gương mặt buồn tẻ của ông trạng sư thậm chí còn vặn vẹo thành một nụ cười niềm nở chắc hẳn không thường dùng để chào đón tất cả mọi vị khách.
– Nhà tôi có nhà, ông nói, và rất cảm ơn ông có nhã ý đến thăm. Đã khá lâu rồi tôi không có hân hạnh gặp ông tại nhà này.
– Xin ông bạn thân mến tin rằng chỉ là do tính tôi lười biếng, và ngôi nhà của ông đối với tôi là thân thiết nhất ở Sài Gòn.
Viên trạng sư tỏ ý hân hoan, dường như có vẻ cất được mối lo lắng.
– Tạm biệt ông nhé, ông bác sĩ. Ông biết là Tòa án đang gọi tôi, như mọi khi.
– Vụ kiện thú vị chứ?
– Ly dị thôi, dĩ nhiên. Chúng ta sống một thời điểm hết sức tồi tệ.
Ông ta bỏ đi, cặp ôm trong tay, bước chân khô khốc như người máy, dáng vẻ khắc khổ và nghiêm nghị. Raymond Mévil quay nhìn sau lưng ông ta, nhăn mặt cười mỉm.
Trong phòng khách, tám hoặc mười người phụ nữ đang ba hoa trò chuyện, vẻ vừa diêm dúa vừa chểnh mảng trong những chiếc áo dài kiểu Sài Gòn nom như những áo choàng sang trọng. Từ ngưỡng cửa, Mévil nhìn nhanh tất cả khắp lượt, rồi ung dung bước vào giữa đám để chào trước hết bà chủ nhà, một bà tóc nâu duyên dáng mắt trinh khiết, bà ta chìa tay cho anh ta hôn.
– Xin chào vị Đại học Y. Ngọn gió lành nào đưa ông đến đây vậy?
– Hôm nay, – người thầy thuốc đáp, – đơn giản là Đại học Y tới tỏ lòng kính trọng dưới chân đoàn Luật sư.
Anh ta cúi mình trước từng bà khách, nói những lời tình tứ bạo phổi, rồi ngồi xuống. Anh là trung tâm mọi ánh mắt nhìn. Đám phụ nữ tỏ ra ưa thích anh, và cái danh tiếng Don Juan[2] của anh thế là được xác lập.
Anh không hề bối rối và gẫu chuyện. Anh không thiếu dí dỏm và biết cách chứng tỏ là người được phụ nữ ưa thích. Vốn bản tính phù phiếm, anh chú tâm để tỏ ra càng phù phiếm hơn nữa, và sử dụng cái thói phù phiếm ấy như một vũ khí trong các trò quyến rũ tình ái; người ta thông cảm với anh về thói lông bông hám gái và dễ dàng thổ lộ tâm tình với anh mà không hề đắn đo tự ái.
– À này, bà Ariette chợt nói, tôi đang định cho người sang mời ông đấy, ông thầy lang ạ.
– Bà ốm hả?
…
Mời các bạn đón đọc Những Kẻ Văn Minh của tác giả Claude Farrère.
Chia sẻ ý kiến của bạn