Tên Ebook : Óc sáng suốt
Óc sáng suốt là một trong những tác phẩm tiêu biểu của học giả Thu Giang – Nguyễn Duy Cần. Thông qua cuốn sách này, tác giả hướng dẫn cho người đọc những phương pháp để rèn luyện cho mình một bộ óc minh mẫn và sáng suốt, tư duy có hiệu quả để thành công trong công việc và cuộc sống. Cuốn sách này xuất bản lần đầu tiên cách đây hơn nửa thế kỷ (1952), dù đã trải qua một thời gian rất dài nhưng giá trị tư tưởng của sách vẫn phù hợp và có thể áp dụng trong đời sống hiện nay.
Review
Đọc xong quyển sách này mà không viết review hay tóm tắt sách thì coi như mình chỉ đọc mà không thực hành vậy. 🙂
Quyển sách truyền tải chính xác như tựa đề Óc Sáng Suốt và đề phụ “Phương pháp rèn luyện cho mình một khối óc sáng suốt để có thể tự lập và định đoạt lấy cuộc sống của mình”. Mình rất ưng độ dài chưa đến 200 trang, bằng cách viết ngắn gọn không lan man sa đà vào các ý không cần thiết như nhiều quyển sách khác, không những giúp người đọc tiết kiệm nhiều thời gian mà còn không bị chán.
Do được viết cách đây hơn nửa thế kỷ (xuất bản lần đầu năm 1952) nên một số từ ngữ dùng trong sách có vẻ hơi lạ so với từ ngữ hiện tại, nhưng nếu ta hòa mình vào ngữ cảnh viết sách thời xưa, thì hoàn toàn có thể thấu suốt được ngôn từ của tác giả.
Cũng về sử dụng ngôn từ, thì có một chỗ chú thích của ban biên tập (BT) theo mình là dường như họ chưa hiểu đúng ý của tác giả, đó là từ “bản đồ”. Cụ thể ở cuối trang 39 và một vài trang khác, chú thích có ghi “Tác giả dùng từ “bản đồ” ở đây có lẽ không chính xác lắm. Bạn đọc có thể hiểu đại khái như là 1 sơ đồ hoặc dàn ý. (BT)”. Về hình thức thì đúng là giống như một sơ đồ hay một dàn ý. Tuy nhiên hiểu rộng ra theo ý tác giả muốn truyền đạt thì nó phải là một bản đồ. Nghĩa là trước khi bắt tay vào phân tích một việc gì, thì trong đầu ta phải có cái nhìn bao quát việc mình cần làm, để nắm bắt được hướng đi và sự liên hệ giữa các phần nhỏ ở bên trong đó như thế nào, căn cứ vào cái bản đồ ấy ta mới bắt đầu làm theo để không bị lạc lối. Cũng giống như khi muốn đi đến một địa điểm ở vùng đất lạ, ta phải dùng đến bản đồ để tìm chính xác đến nơi mình cần đến vậy, nếu không sẽ bị lan man, tốn công vô ích.
Về nội dung, tác giả chia cấu trúc quyển sách thành 5 phần theo thứ tự: Thuật quan sát, Thuật tập trung tinh thần, Thuật tư tưởng, Thuật tỏ chức tư tưởng, Thuật nhớ lâu. Trong đó thuật quan sát lấy làm gốc, được dành số trang nhiều nhất (chiếm đến hơn 1/3 trên tổng số trang sách của cả 5 phần kể trên) vì theo tác giả nó rất quan trọng.
Mình đã tập dò lại quyển sách để tóm tắt ý chính và tìm cho ra mối liên hệ giữa các phần trong quyển sách, nó thật không dễ dàng, mình đã tốn khá nhiều thời gian nhưng có lẽ chưa thật sự đúng. Theo khả năng hiểu của mình ở thời điểm hiện tại thì 5 phần ở trên có liên hệ tác động qua lại chặt chẽ với nhau, phần này làm nền tảng (điều kiện bắt buộc, nguyên liệu) cho phần kia, phần kia quay ngược lại hỗ trợ cho phần này. Điểm bắt đầu là quan sát (là sự lựa chọn, có quy trình bài bản theo một bản đồ mà mình tự lập ra trước để có được hiệu quả tối ưu), nhưng muốn quan sát tốt cần tập trung, quan sát xong cần sự tưởng tượng (phân tích, tổng hợp, đặt ra lý luận giả thuyết), sau đó sắp xếp tổ chức lại kiến thức mình đã có từ trước và kiến thức mới này cho có trật tự, tất cả những điều này rất cần một trí nhớ minh mẫn. Rồi cuối cùng những điều trên lại quay lại làm nền tảng cho sự quan sát tinh vi, sâu sắc, tiếp tục như một vòng tuần hoàn. Bộ óc sáng suốt là gồm tất cả những công năng này hợp lại, liên kết lại theo đúng trật tự.
Quyển sách này rất đáng thực hành theo, nó sẽ giúp ích cho quá trình tư duy, tiếp thu và sử dụng kiến thức của chúng ta. Nhất là khi mình đọc nhiều sách, tham khảo nhiều tài liệu nhưng mình vẫn cảm thấy bản thân chưa tiến bộ bao nhiêu, chưa thể diễn đạt được mạch lạc những điều mình đã học được. Đó có thể là do mình chưa sắp xếp, chưa phân loại kiến thức mới với những kiến thức đã có sẵn của mình trước đây, chưa tạo kết nối giữa chúng với nhau đúng cách (theo mình nghĩ giống như ta chưa tạo ra được nhiều mối liên kết giữa các nơron thần kinh với nhau vậy).
Còn đây là sơ đồ mà mình cố vẽ nhưng còn nhiều ý chưa thể hiện ra hết được, và có lẽ nó cũng chưa chính xác. 🙂
Leave a Reply